Saturday, March 30, 2013

Một vài ý kiến bào chữa cho các bị can trong vụ án Đoàn Văn Vươn, Hải Phòng

Là một luật sư tôi quan tâm đến vụ án “Đoàn Văn Vươn” với góc nhìn nghề nghiệp sau khi nghiên cứu cáo trạng tôi có mấy quan điểm sau đây.

Thứ nhất: Các bị can trong vụ án theo như Cáo trạng số 10/CT-P1A ngày 04/01/2013 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng bị truy tố về “Tội chống người thi hành công vụ “ điều 257 Bộ luật hình sự là hoàn toàn sai, vì:

1. Quyết định số 3307/QĐ-UBND “về việc cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất theo Quyết định số 461/QĐ-UBND” ngày 24/11/2011 của UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là trái pháp luật vì không đúng thẩm quyền. Do đó, những người thực hiện cưỡng chế theo Quyết định số 3307/QĐ-UBND không phải là người thi hành công vụ.

Sự việc liên quan đến gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã đưa ra Tòa và Tòa án thành phố đã ra bản án như vậy việc thi hành án là trách nhiệm của Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lãng, Hải Phòng chứ không phải là UBND huyện Tiên Lãng.

Khoản 3 điều 74 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, 1998, 2006, quy định: “Các quyết định về phần tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự.”

2. Việc cưỡng chế thi hành án là theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên chứ không phải theo yêu cầu của UBND huyện.

Khoản 3 điều 8 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, quy định: “Cơ quan công an có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, kịp thời ngăn chặn những hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án. Trong trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên.”

Thứ hai: Việc sử dụng Quân đội nhân dân tham gia cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật, vì:

1. Khoản 3 điều 8 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 không quy định Quân đội nhân dân tham gia cưỡng chế thi hành án.

2. Khoản 1 điều 14 “Quân đội nhân dân” Luật Quốc phòng 2005, quy định: “Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương.”

Việc cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn không phải là nhiệm vụ quốc phòng.

Thứ ba: Truy tố anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn “Tội giết người” điểm d khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự là không có căn cứ pháp lý.

Nếu đúng như cáo trạng nêu: Có thể chia thành 02 nhóm hành vi (trang 03).

Nhóm hành vi 1: ông Vươn là bộ đội công binh nên hiểu được lượng thuốc nổ của 02 quả mìn tự tạo để kích nổ bình ga, trên mỗi bình ga là 02 nửa bao đá nếu kích nổ không thể gây ra chết người một cách chắc chắn. Anh em nhà ông Vươn không mong muốn giết người nên khi lực lượng cưỡng đến sát hàng đã kích nổ mìn chỉ để gây sát thương, đe dọa lực lượng cưỡng chế. Nếu có mong muốn giết người thì ông Vươn với kiến thức bộ đội công binh phải để lực lượng cưỡng chế bước lên nơi đặt mìn mới kích nổ thì hậu quả chết người mới chắc chắn xảy ra. Điều này khẳng định (Mặt chủ quan của tội phạm – một trong 04 yếu tố cấu thành tội phạm) lỗi của anh em nhà ông Vươn không phải là “lỗi cố ý trực tiếp” mà chỉ là “lỗi cố ý gián tiếp”. “Lỗi cố ý gián tiếp” là người thực hiện hành vi có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình người thực hiện hành vi có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra hay nói cách khác, họ có ý thức chấp nhận hậu quả đó (nếu xảy ra). “Lỗi cố ý gián tiếp” và hậu quả chết người không xảy ra thì anh em nhà ông Vươn không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Nhóm hành vi 2: Lực lượng cưỡng chế tiến sát hàng rào thứ hai cách nhà ông Quý 18 m thì anh em nhà ông Vươn ở trong nhà dùng súng đạn hoa cải bắn ra. Súng bắn đạn hoa cải, khoảng cách 18 m, lực lượng cưỡng chế có trang bị mũ, áo chống đạn, khiên che nên không thể gây ra hậu quả giết người, hành vi này chỉ nhằm đe dọa hoặc gây sát thương để tìm đường chạy trốn nên không thể là hành vi của tội giết người. Hậu quả chết người cũng không xảy ra.

Như trên đã phân tích lượng lượng cưỡng chế hôm đó không phải là người thi hành công vụ và vì lý do công vụ./.

Hà Nội, ngày 28/03/2013
Hà Huy Sơn

No comments:

Post a Comment