Saturday, March 30, 2013

"Không có quyết định đúng luật thì không thể có hành vi chống người thi hành công vụ"

“Nếu toà án có cơ sở để kết luận quyết định thu hồi, cưỡng chế đất của huyện Tiên Lãng là đúng; tức kết luận của Thủ tướng rằng huyện thu hồi, cưỡng chế đều sai cũng là sai thì lúc đó mới buộc tội ông Vươn là chống người thi hành công vụ”, quan điểm của luật sư Lê Đức Tiết, phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật (thuộc uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh kết luận điều tra và bản cáo trạng mới đây của các cơ quan công quyền đối với vụ việc liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn và các cá nhân khác trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng – Hải Phòng cách đây gần tròn một năm. 

Chắc ông đã nghe những diễn biến mới nhất của vụ việc, là kết luận điều tra của Công an Hải Phòng và bản cáo trạng của viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng?

Báo chí đã đăng kết luận điều tra vụ Đoàn Văn Vươn. Dư luận xã hội và nhất là giới luật gia không đồng tình. Không ai có thể tự làm quan toà cho chính mình.

Trong vụ này, ông giám đốc Công an Hải Phòng nói đây là trận đánh đẹp. Chính ông cùng với hai phó giám đốc trực tiếp chỉ huy lực lượng cưỡng chế rồi chính cơ quan công an Hải Phòng trực tiếp điều tra vụ án. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và TAND thành phố Hải Phòng, cũng là những cơ quan đã từng xét xử sai, nay lại tiếp tục xét xử vụ án nên khó thuyết phục được dân chúng về tính công minh của công việc điều tra, truy tố, xét xử.

Các cơ quan tư pháp Hải Phòng nên tự rút ra, để cơ quan tư pháp trung ương trực tiếp vào cuộc thì mới đảm bảo khách quan. Nếu Hải Phòng tự mình điều tra, xét xử thì không bảo đảm được tính không thiên vị trong đấu tranh bảo vệ công lý. Hơn nữa, nếu cơ quan điều tra bộ Công an và viện Kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp rút hồ sơ lên để trực tiếp làm, thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và giúp cho các cơ quan tư pháp Hải Phòng đỡ vướng mắc hơn.

Vậy còn quan điểm của ông với nội dung cáo trạng, quyết định khởi tố bị can sáu người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn về tội “giết người, chống người thi hành công vụ”?

Phán quyết cuối cùng là do toà án quyết định. Tuy vậy, cần lưu ý rằng phán quyết công minh, đúng pháp luật được đông đảo dư luận nhân dân đồng tình sẽ có tác dụng giáo dục sâu rộng trong xã hội. Còn ngược lại, những phán quyết bất công thường gây ra sự phẫn nộ của công chúng và đánh mất niềm tin của công chúng vào pháp luật, vào chính quyền.

Trong vụ Đoàn Văn Vươn, nếu các cơ quan tư pháp có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định lệnh thu hồi đất của chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là đúng Hiến pháp, đúng luật Đất đai thì mới có thể buộc tội ông Vươn phạm tội chống người thi hành công vụ. Trong khi đó, chính Thủ tướng Chính phủ – người đứng đầu cơ quan hành pháp – cũng từng kết luận rằng quyết định thu hồi đất nói trên là sai. Lệnh cưỡng chế để thi hành quyết định trái luật, do vậy, cũng không thể đúng. Không có quyết định hành chính đúng luật thì không thể có hành vi chống người thi hành công vụ. Không thể buộc tội ông Vươn chống lại cái không có trong thực tế. Ông Vươn chỉ chống lại hành vi trái luật của viên chức. Đó là quyền phòng vệ chính đáng của công dân mà luật pháp tất cả các nước trên thế giới và ở nước ta đều công nhận.

Cũng có ý kiến cho rằng dẫu sao ông Vươn cũng biết những người mà ông ta chống lại là viên chức nhà nước. Chống lại viên chức nhà nước là chống lại người thi hành công vụ?

Lập luận này rất khiên cưỡng. Danh hiệu viên chức nhà nước không thể là cơ sở pháp lý để buộc tội người dân chống lại hành vi hoặc quyết định trái pháp luật của viên chức. Không thể lấy cái “áo giáp” viên chức để buộc tội dân. Nếu vậy thì không có sự kiện mà báo chí đã đưa tin là có 50 cá nhân, 25 tổ chức bị kỷ luật, năm cán bộ trong đó có chủ tịch, phó chủ tịch huyện, bí thư đảng uỷ, chủ tịch xã bị khởi tố vì đã cố ý huỷ hoại tài sản của công dân. Người dân quan tâm theo dõi bởi vì vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng không phải là vụ việc đột xuất, cá biệt. Nhân dân chờ đợi “thần công lý” lên tiếng.

Nghĩa là nếu buộc ông Vươn tội chống người thi hành công vụ, thì theo quan điểm của ông là không đúng pháp luật, vì ở đây không có thi hành công vụ?

Tôi muốn nhấn mạnh, trong trường hợp toà án tối cao đưa ra xét xử, nếu toà án tối cao có được chứng cứ thuyết phục được rằng việc làm của huyện Tiên Lãng (thu hồi, cưỡng chế) là đúng luật thì mới có thể kết luận ông Vươn chống người thi hành công vụ. Hay nói cách khác, chỉ khi toà án có cơ sở để bác lại kết luận Thủ tướng (kết luận Thủ tướng cho rằng thu hồi, cưỡng chế là sai pháp luật) thì lúc đó mới buộc tội ông Vươn vào tội này.

Vậy theo ông, trong trường hợp này thì ông Vươn có thể bị khép vào tội danh nào?

Theo tôi đó là tội vượt quá phòng vệ chính đáng, theo điều 15 của bộ luật Hình sự.

Chí Hiếu thực hiện

“Các Quyết định của UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của luật Đất đai 2003 và nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành luật Đất đai năm 2003”. 


“Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm”. 

(Trích kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 10.2.2012 về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng)


“Bộ đội của ta là của dân, do dân, vì dân mà lại đi tham gia cưỡng chế. Bộ đội, thì nhiệm vụ trước tiên, hàng đầu của anh là chống giặc ngoại xâm, thứ hai mới là giúp dân và thứ ba là tham gia sản xuất. Đây anh lại không bảo vệ cho dân làm ăn lại tham gia cưỡng chế dân. Đây là một sai lầm mà trong lịch sử đất nước ta chưa từng có”... 


“... Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, cán bộ, công chức là công bộc của dân. Cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì hại cho dân phải tránh nhưng thực tế có làm được như vậy không? Ở trường hợp như vụ cưỡng chế, thu hồi đất với nhà ông Đoàn Văn Vươn thì họ đã làm trái, không thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch. Chúng ta thấy ở đây hiện tượng bao che cho nhau. Cho nên, nếu làm quyết liệt, có thể truy tố cả những cá nhân chủ trương, thực hiện phá nhà của công dân Đoàn Văn Vươn vì đây có thể nói là tội phạm, tội phá hoại tài sản của công dân”.  

(Nguyên Chủ tịch nước – đại tướng Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn Sài Gòn Tiếp Thị ngày 7.2.2012)




No comments:

Post a Comment