Sunday, July 28, 2013

Vụ án Đoàn Văn Vươn: Tội giết người không người chết

Bài viết này bàn về tội giết người không người chết, đi từ các lý luận của khoa học pháp lý hình sự nói chung và xét trong trường hợp cụ thể của Đoàn Văn Vươn nói riêng.

1. Về lý luận của khoa học pháp lý hình sự

Trước hết, cần xác định rằng trong luật hình sự Việt Nam, hậu quả chết người không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội giết người. Tùy thuộc vào hình thức lỗi của người phạm tội mà hậu quả chết người là bắt buộc hay không.

Lỗi, trong luật hình sự, được định nghĩa là “thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý và vô ý” [1]. Hiểu một cách đơn giản, lỗi của người phạm tội được thể hiện qua khả năng nhận thức và mong muốn của người phạm tội khi thực hiện tội phạm. Khi xem xét đến khả năng nhận thức và mong muốn của người phạm tội, cần trả lời các câu hỏi sau:
  • Về khả năng nhận thức: (1) người phạm tội nhận thức đến đâu về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội? và (2) người phạm tội thấy trước đến đâu về khả năng hậu quả xảy ra?
  • Về mong muốn: (3) người phạm tội có mong muốn hậu quả xảy ra hay không? và (4) nếu người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra thì có thái độ như thế nào đối với khả năng hậu quả xảy ra, một khi thấy trước khả năng đó?
Trả lời các câu hỏi trên đối với tội phạm cụ thể sẽ giúp xác định hình thức lỗi thuộc một trong bốn trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Lỗi cố ý trực tiếp:
  1. người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
  2. người phạm tội thấy trước, một cách rõ ràng, hậu quả chắc chắn hoặc có thể xảy ra
  3. người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra
  4. (không cần trả lời)
Trường hợp 2: Lỗi cố ý gián tiếp:
  1. người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
  2. người phạm tội thấy trước, một cách rõ ràng, hậu quả có thể xảy ra
  3. người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra
  4. người phạm tội để mặc hậu quả xảy ra
Trường hợp 3: Lỗi vô ý vì quá tự tin:
  1. người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
  2. người phạm tội thấy trước, một cách chung chung, hậu quả có thể xảy ra
  3. người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra
  4. người phạm tội chủ quan cho rằng có thể ngăn ngừa hậu quả
Trường hợp 4: Lỗi vô ý vì cẩu thả:
  1. người phạm tội không nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của mình đối với xã hội
  2. người phạm tội không thấy trước, mặc dù phải thấy trướccó thể thấy trước hậu quả có thể xảy ra
  3. người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra
  4. (không cần trả lời)
Đối với tội giết người, hình thức lỗi chỉ có thể là cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp), mà không thể là vô ý, bởi hành vi giết người trong tội giết người, về bản chất, là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Người ta không thể vô ý giết người mà chỉ có thể vô ý làm chết người mà thôi. Do đó, bài viết này sẽ chỉ bàn tiếp về lỗi cố ý mà không bàn tiếp về lỗi vô ý.

Như trên đã cho thấy, lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp có sự khác biệt về mong muốn của người phạm tội đối với hậu quả (hậu quả ở đây là hậu quả được mô tả trong cấu thành tội phạm mà không phải là hậu quả bất kỳ). Việc phân định người phạm tội có mong muốn hậu quả xảy ra hay không là rất quan trọng trong việc định tội nói chung và trong việc định tội giết người nói riêng.

Trong trường hợp của tội giết người có người chết, hình thức lỗi có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp, bởi, dù anh có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không thì hậu quả chết người đã xảy ra và anh phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả chết người đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp của tội giết người không người chết, hình thức lỗi không thể là lỗi cố ý gián tiếp, bởi, khi anh không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, và trên thực tế hậu quả chết người không xảy ra, thì anh không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả không xảy ra ấy. Khi này, hậu quả đến đâu (khác với hậu quả chết người) thì phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó, ví dụ, người phạm tội dẫn đến hậu quả thương tích với tỷ lệ thương tật, chẳng hạn từ 11% đến 30%, thì bị định tội cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 104, Bộ luật Hình sự (BLHS) [2].

Phạm tội giết người khi hậu quả chết người không xảy ra là phạm tội chưa đạt. Theo quy định tại Điều 18, BLHS, phạm tội chưa đạt là “cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.” [3] Như vậy, có thể hiểu rằng trong trường hợp phạm tội giết người chưa đạt, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài mong muốn của người phạm tội. Điều này cũng có nghĩa là, người phạm tội mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Nếu người phạm tội không mong muốn hậu quả chết người xảy ra thì không thể nói người đó phạm tội chưa đạt. Xét riêng về mặt ngôn ngữ, một cách lôgic, người ta không thể chưa đạt cái mà người ta không mong muốn.

2. Về trường hợp cụ thể của Đoàn Văn Vươn

Trong vụ án Đoàn Văn Vươn, do hậu quả chết người không xảy ra nên chỉ có thể truy tố và xét xử Đoàn Văn Vươn về tội giết người khi ông có lỗi cố ý trực tiếp, tức có mong muốn hậu quả chết người xảy ra.

Trên thực tế, Đoàn Văn Vươn có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không? Để trả lời câu hỏi này, cần trả lời các câu hỏi nhỏ hơn sau đây:
  • Nguyên nhân: Điều gì dẫn đến sự chống trả của Đoàn Văn Vươn?
  • Động cơ: Điều gì thúc đẩy sự chống trả của Đoàn Văn Vươn?
  • Mục đích: Điều gì Đoàn Văn Vươn muốn đạt được từ sự chống trả của mình?
  • Phương tiện: Súng hoa cải, mìn tự tạo, cùng các phương tiện chống trả khác có đủ khả năng gây chết người hay không, theo ý nghĩ chủ quan của Đoàn Văn Vươn và trên thực tế?
Những vấn đề trên đã được không ít các bài viết bàn đến khi phân tích tội danh và các vấn đề xung quanh vụ án. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ đề cập một chút tới câu hỏi nhỏ cuối cùng như là một điểm mấu chốt quan trọng.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự (VKHHS) – Bộ Công an, khi sử dụng các khẩu súng mà Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý đã dùng trong vụ cưỡng chế "để bắn vào cơ thể người ở khoảng cách 30m đều có thể gây sát thương (chết hoặc bị thương)" [4]. Về điểm này, ông Vươn và ông Quý có ý kiến rằng súng hoa cải bằng đạn bắn chim hạt chì từ 2.5mm đến 3.5mm không thể gây sát thương dẫn đến chết người, và đề nghị VKHHS giám định lại [5]. Nếu đây thực sự là điều ông Vươn và ông Quý nghĩ khi chống trả đoàn cưỡng chế, có thể nói, hai ông không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, bởi không thể nào một người mong muốn hậu quả chết người xảy ra khi người đó dùng phương tiện chống trả mà người đó nghĩ là không gây ra hậu quả chết người.

Để có thể trả lời một cách chắc chắn và đầy đủ hơn nữa cho câu hỏi nhỏ trên đây về phương tiện được dùng để chống trả đoàn cưỡng chế, cần có sự giám định lại của VKHHS. Tuy nhiên, không có sự giám định lại nào được thực hiện. Bởi vậy, liệu Đoàn Văn Vươn có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không là câu hỏi không có câu trả lời khách quan từ cơ quan giám định và cơ quan tiến hành tố tụng.

Bất chấp câu trả lời thực sự là gì, Đoàn Văn Vươn vẫn phải chịu tội giết người không người chết. Đây có thể được xem như điều hổ thẹn của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án Đoàn Văn Vươn nói riêng và của ngành tư pháp Việt Nam nói chung.

Sài Gòn, 28/07/2013
Nguyễn Trang Nhung


Chú thích:

[1] Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 1, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 128

[2][3] Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2007

[4][5] LS. Trần Vũ Hải đề nghị hoãn phiên tòa phúc thẩm  xử Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý
http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/07/vu-oan-van-vuon-ls-tran-vu-hai-e-nghi.html

Saturday, July 27, 2013

HƯỚNG VỀ CÔNG LÝ, HƯỚNG VỀ ĐOÀN VĂN VƯƠN



Chúng ta, gần 3000 người xướng tên trong Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn, bằng lương tri và dũng khí của mình, đã hy vọng làm lay động tâm thức của những người nhân danh pháp luật và làm thức tỉnh những người bàng quan.

Thế nhưng sức mạnh ấy vẫn chưa đủ để mang cán cân Công lý đặt vào khán phòng của Tòa án Nhân dân Hải Phòng trong phiên tòa sơ thẩm Đoàn Văn Vươn và thân nhân.

Nếu Nữ Thần Công lý hiện diện ở nơi này, hẳn Người cũng phải hổ thẹn khi nghe bản án 18 năm 3 tháng tù dành cho gia đình người nông dân áo vải.

Đứng trước phiên tòa phúc thẩm, một lần nữa Công lý của chúng ta như đang bị nhạo báng khi Đỗ Hữu Ca, người chỉ huy làm nên “trận đánh đẹp có thể viết thành sách” mang đậm chất bạo quyền đã được phong hàm Thiếu tướng.

Để từ đó, chúng ta hiểu rằng, chúng ta không thể bảo vệ và duy trì Công lý bằng sự chờ đợi hay dựa trên ân huệ của những người cầm quyền. 

Lịch sử đã cho chúng ta kinh nghiệm về chiến thắng của Công lý được viết nên từ sự kiên cường đấu tranh của người xưa nơi Đồng Nọc Nạn, giúp cho chúng ta còn giữ niềm tin vào Công lý.

Vì thế, ngày hôm nay,

Chúng ta không cho phép Cống Rộc – Tiên Lãng là nơi chôn vùi niềm tin đó của mình.

Chúng ta không cho phép bất kỳ gia đình nào trên đất nước này phải ly tán như gia đình Đoàn Văn Vươn bởi sự lạm quyền và sự tham lam của các nhóm li ích.

Chúng ta không cho phép mình làm ngơ trước những bất công.

Chúng ta không cho phép mình im lặng khi Công lý bị hủy hoại.

Với tất cả những lẽ ấy

Chúng ta sẽ tiếp tục nói về Công lý không chỉ cho Đoàn Văn Vươn mà cho cả chúng ta, để lan truyền nó như là bổn phận của những người yêu chuộng lẽ phải.

Chúng ta sẽ tiếp tục hướng về Công lý bằng cách đẩy lùi sự hèn nhát, phá vỡ sự im lặng, khuấy động lương tri và khơi nguồn dũng khí để hành động bằng cả trí tuệ và trái tim.

Bởi vũ khí của chúng ta chính là lương tri và dũng khí, cùng ước mơ và niềm tin vào một tương lai tốt đẹp được tích lũy và vun đắp theo tháng năm và qua nhiều thế hệ.

Đã đến lúc chúng ta buộc cường quyền phải khiếp sợ trước vũ khí mạnh mẽ ấy!

Hãy tiếp tục hướng về Đoàn Văn Vươn, mang theo tiếng nói của mình tới phiên tòa phúc thẩm, nối buớc người xưa viết nên chiến thắng của Công lý lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Sài Gòn, 28/07/2013

Friday, July 26, 2013

NHÓM KHỞI XƯỚNG GỬI KHIẾU NẠI LÊN TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. HCM



Như đã thông báo, vào ngày 28/06, chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tới Chánh án Tòa án Nhân dân Quận 4 (sau đây viết tắt là TANDQ4) về việc TANDQ4 yêu cầu chúng tôi đưa tác giả bài viết “Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn” vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời xác định họ tên và địa chỉ nơi cư trú của tác giả. Yêu cầu này, theo chúng tôi, là không có căn cứ pháp lý thỏa đáng.

Vào ngày 12/07, chúng tôi đã nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại của ông Phạm Lương Toản, Chánh án TANDQ4. Qua quyết định này, ông Phạm Lương Toản giữ nguyên yêu cầu trên đối với chúng tôi. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng tôi không đưa tác giả bài viết vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời xác định họ tên và địa chỉ nơi cư trú của người này thì đơn khởi kiện của chúng tôi sẽ không được thụ lý.

Hãy giả định rằng bạn bị một website của một tổ chức nào đó đăng bài viết xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bạn. Bạn không biết tác giả bài viết là ai vì tác giả không công khai danh tính và trên thực tế rất khó để xác định thông tin về người này. Rồi bạn quyết định khởi kiện tổ chức đó ra Tòa án, yêu cầu tổ chức đó gỡ bỏ bài viết. Tuy nhiên, Tòa án trả lời bạn rằng để đảm bảo yêu cầu khởi kiện của bạn, bạn phải đưa tác giả bài viết vào đơn khởi kiện với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải xác định họ tên và địa chỉ nơi cư trú của người đó. 

Liệu điều đó có hợp lý không? Theo cách giải quyết này của Tòa án, một tổ chức có thể đăng bài viết của một kẻ vô danh tính xúc phạm một ai đó nhưng không bao giờ phải ra tòa chỉ vì người bị xúc phạm không thể xác định được kẻ vô danh tính là ai! 

Liệu điều đó có đúng pháp luật không? Theo quy định tại khoản 4, Điều 56, Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.” Như vậy, một khi chúng tôi không đề nghị đưa tác giả bài viết vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà Tòa án thấy rằng phải đưa tác giả bài viết vào tham gia tố tụng với tư cách đó, thì trách nhiệm xác định thông tin của tác giả để đưa vào tham gia tố tụng thuộc về Tòa án.

TANDQ4, khi lấy Điều 56 làm căn cứ cho việc yêu cầu chúng tôi đưa tác giả bài viết vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cố tình bóp méo điều này, đẩy trách nhiệm xác định thông tin về tác giả cho chúng tôi, trong khi người này trên thực tế không có quyền lợi gì đối với chúng tôi, đồng thời chúng tôi không đòi hỏi nghĩa vụ gì từ người này. 

Trong những vụ án tương tự về việc tổ chức đăng bài viết xúc phạm cá nhân, đơn khởi kiện của nguyên đơn vẫn được thụ lý bình thường mặc dù nguyên đơn không đưa tác giả bài viết vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (một khi đã đảm bảo các yêu cầu về hình thức và nội dung của đơn khởi kiện). Vì vậy, quyết định giải quyết khiếu nại của ông Phạm Lương Toản buộc chúng tôi phải nghi ngờ về tính không khách quan của ông cũng như của TANDQ4. Chúng tôi có cơ sở để cho rằng tính không khách quan này xuất phát từ việc bị đơn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trường Đại học Luật TP. HCM.

Một cách dứt khoát, chúng tôi không chấp nhận giải quyết khiếu nại của Chánh án TANDQ4. Do đó, chúng tôi tiếp tục khiếu nại. Đơn khiếu nại của chúng tôi đã được gửi tới Tòa án Nhân dân TP. HCM vào ngày 25/07 vừa qua, như là bước tiếp theo trong việc vận dụng pháp luật để bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín của chính mình.

Sài Gòn, 27/07/2013

Xem đơn khiếu nại của Nguyễn Trang Nhung TẠI ĐÂY 

Xem đơn khiếu nại của Bùi Quang Viễn TẠI ĐÂY 

Xem đơn khiếu nại của Phạm Lê Vương Các TẠI ĐÂY

Đơn khiếu nại lần 2 của Phạm Lê Vương Các



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
___o0o___

ĐƠN KHIẾU NẠI
(V/v Giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án Nhân dân Quận 4)

Kính gửi: Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Người khiếu nại: Phạm Lê Vương Các
Địa chỉ: 3/1 Khu 3, Ấp 7, Đông Thạnh, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: ****.***.***

Nay làm đơn này để khiếu nại:

Ông Phạm Lương Toản, Chánh án Tòa án Nhân dân Quận 4.
Về việc giải quyết khiếu nại theo Quyết định giải quyết khiếu nại số 08/2013/QĐ-GQKN.

Nội dung sự việc:

Vào ngày 28/05/2013, tôi đã gửi đơn khởi kiện dân sự đến Tòa án Nhân dân Quận 4 (sau đây viết tắt là TANDQ4) về việc xâm phạm quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự và uy tín và quyền bí mật đời tư của tôi. Trong đơn này, bị đơn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trường Đại học Luật TP. HCM (sau đây gọi tắt là Đoàn trường) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người có bút danh Trung Nhân, tác giả bài viết “Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn” được đăng trên website của Đoàn trường (doanthanhnienluat.com) vào ngày 09/04/2013.

Vào ngày 03/06/2013, tôi đã đến TANDQ4 để nhận văn bản trả lời đơn khởi kiện, và nhận được thông báo số 112/2013/TAQ4-TB được đề ngày 03/06/2013 (do bà Lê Thị Hằng, thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án ký) trong đó yêu cầu tôi xác định rõ họ tên, năm sinh và địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ở đây là tác giả bài viết). Do không xác định được họ tên, địa chỉ của người này và thấy không nhất thiết phải đưa người này vào đơn khởi kiện, nên vào ngày 21/06/2013, tôi đã gửi đơn khởi kiện đã sửa chữa trong đó bỏ mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời với việc bỏ phần này ra khỏi đơn khởi kiện, tôi đã bỏ yêu cầu tác giả bài viết xin lỗi tôi.

Vào ngày 28/06/2013, tôi đã đến Tòa án để nhận văn bản trả lời đơn khởi kiện đã sửa chữa nêu trên, và nhận được thông báo số 140/2013/TAQ4-TB được đề ngày 26/06/2013 (do bà Lê Thị Hằng ký) trong đó yêu cầu tôi “đưa tác giả Trung Nhân vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời xác định rõ họ tên, năm sinh và địa chỉ nơi cư trú của tác giả Trung Nhân”. Lý do mà Tòa án đưa ra cho yêu cầu này là: “để đảm bảo giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông theo đúng quy định của pháp luật thì phải đưa tác giả Trung Nhân vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án”.

Trong đơn khởi kiện đã sửa chữa, như đã nêu trên, đồng thời với việc bỏ mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tôi đã bỏ yêu cầu tác giả bài viết xin lỗi tôi. Đơn khởi kiện đã sửa chữa chỉ còn lại yêu cầu của tôi đối với Đoàn trường (cụ thể là tôi yêu cầu Đoàn trường gỡ bỏ bài viết Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn” và công khai xin lỗi tôi). Xét thấy tuy đơn khởi kiện đã sửa chữa không có mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng Tòa án vẫn có thể đảm bảo giải quyết yêu cầu khởi kiện của tôi, nên việc Tòa án yêu cầu như trên là không hợp lý.

Yêu cầu như trên cũng không có căn cứ pháp lý thỏa đáng. Theo quy định tại khoản 4, Điều 56, Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.” Như vậy, một khi tôi không đề nghị đưa tác giả bài viết vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà Tòa án thấy rằng phải đưa tác giả bài viết vào tham gia tố tụng với tư cách đó, thì trách nhiệm xác định thông tin (họ tên, năm sinh và địa chỉ nơi cư trú) của tác giả Trung Nhân để đưa vào tham gia tố tụng thuộc về Tòa án.

Việc tôi khởi kiện Đoàn trường dựa trên các căn cứ luật định là các điều 25, 37 và 38 Bộ luật Dân sự. Khi Đoàn trường đăng bài viết Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn” trên website do mình quản lý, Đoàn trường đã xâm phạm quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự và uy tín và quyền bí mật đời tư của tôi. Do đó, cá nhân tôi có quyền yêu cầu Đoàn trường gỡ bỏ bài viết và công khai xin lỗi tôi. Yêu cầu này cũng hoàn toàn phù hợp với các căn cứ luật định sau:

  • Luật Công nghệ Thông tin, khoản 1, Điều 23 về thiết lập trang thông tin điện tử: “Tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm quản lý nội dung và hoạt động trang thông tin điện tử của mình.” Điểm d, khoản 2, Điều 12 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;
  • Cũng Luật Công nghệ Thông tin, khoản 1, Điều 21 về thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng: “Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  •  Luật Báo chí, Điều 9 về cải chính trên báo chí: “Báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi hoặc đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân. Trong trường hợp báo chí không cải chính hoặc cải chính không thoả đáng; không đăng, phát sóng lời cải chính của tổ chức, công dân mà không có lý do chính đáng thì họ có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí hoặc yêu cầu Toà án xét xử.

Rõ ràng, việc tôi khởi kiện Đoàn trường và yêu cầu Đoàn trường gỡ bỏ bài viết và công khai xin lỗi tôi là phù hợp với các căn cứ pháp lý đó. Tòa án hoàn toàn có thể giải quyết yêu cầu này mà không cần đến sự tham gia tố tụng của tác giả bài viết. Nếu thấy nhất thiết phải có sự tham gia tố tụng của tác giả bài viết, Tòa án phải tự mình xác định thông tin cần thiết về tác giả bài viết để đưa vào tham gia tố tụng.

Vì những lẽ trên, vào ngày 28/06/2013, tôi đã gửi đơn khiếu nại đến Chánh án TANDQ4 trong đó yêu cầu hủy bỏ thông báo số 128/2013/TAQ4-TB và được hẹn đến nhận trả lời khiếu nại vào ngày 12/07/2013.

Vào ngày 12/07/2013, tôi đã đến TANDQ4 để nhận trả lời khiếu nại và nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại số 08/2013/QĐ-GQKN được đề ngày 08/07/2013 của Chánh án TANDQ4 với nội dung “không chấp nhận yêu cầu khiếu nại” của tôi và “giữ nguyên thông báo sửa chữa, bổ sung đơn kiện số 140/2013/TAQ4-TB” với lý do “Tòa án nhân dân Quận 4 ban hành Thông báo số 140/2013/TAQ4-TB ngày 26/6/2013 về việc yêu cầu ông sửa chữa, bổ sung đơn kiện đề ngày 21/6/2013 là có căn cứ, phù hợp với các Điều 56, Điều 164 và Điều 169 Bộ Luật Tố tụng Dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2011”.

Vì cùng những lẽ tôi đã nêu ở trên, nay tôi khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại số 08/2013/QĐ-GQKN của Chánh án TANDQ4.

Cần nói thêm rằng, trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 08/2013/QĐ-GQKN, một trong các căn cứ mà Chánh án TANDQ4 đưa ra là Điều 53, Điều 54 Luật khiếu nại, tố cáo đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005. Điều này là không thể chấp nhận được vì Luật khiếu nại, tố cáo này hiện không còn hiệu lực thi hành.

Yêu cầu giải quyết:

Tôi yêu cầu Tòa án Nhân dân Quận 4 hủy bỏ Quyết định giải quyết khiếu nại 08/2013/QĐ-GQKN, hủy bỏ Thông báo số 140/2013/TAQ4-TB và tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 07 năm 2013
Người khiếu nại

(đã ký)

Phạm Lê Vương Các

Biên lai nhận đơn của TAND TP. HCM

Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TANDQ4 (trang 1)

Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TANDQ4 (trang 2)